Tin tức
Linh thiêng chốn thiền trong màn mây Tây Tạng
Du khách phải vượt qua thiên nhiên tú lệ nhưng hoang dã ở Hạ Hà, mới đến được tự viện.
Nằm ở hạt Hạ Hà, phía Nam tỉnh Cam Túc, thuộc khu tự trị Tây Tạng, có một quần thể kiến trúc được coi là trung tâm Phật giáo của vùng đất thánh quanh cách tỉnh Cam Túc, Thanh Hải và Tứ Xuyên. Đó là tu viện Labuleng, hay Labrang (còn được gọi là Lạp Bặc Lăng).
Tu viện được xây dựng năm 1710 bởi Jia Muyang, người được coi là vị Phật sống đầu tiên. Trong tiếng Tây Tạng, Labuleng có nghĩa là “cung điện của các nhà sư”. Nơi đây mỗi năm đón vô vàn khách du lịch và tín đồ Phật giáo hành hương bởi đó là tụ viện Phật giáo lớn bậc nhất thế giới, được bao bọc bởi cảnh quan thiên nhiên mê hồn.
Kiến trúc của tu viện là sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách nghệ thuật Tây Tạng và những cung điện nhà Hán, với các họa tiết dát vàng, xa luân nhà Phật, những lá cờ đủ sắc và tất nhiên không thể thiếu những bức tượng Phật điêu khắc rất sống động.
Để đến được Labuleng, du khách phải vượt qua một chặng đường khá dài. Tuy nhiên với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt sắc của vùng Hạ Hà: những đồi thông xanh mướt, những cội đào hồng, sông suối bạc và những đỉnh núi tuyết trắng... rất nhiều người không ngần ngại mất công tới nơi đây.
Đại tự viện là một cụm tu viện, chùa chiền nối liền nhau rất hài hòa, từng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Nổi bật nhất trong cụm kiến trúc này là các Chuyển Luân Xa, những vòng quay xếp thành hàng, nơi các Phật tử vừa quay vừa cầu nguyện và bảo tháp Kongthang với những bức tượng Phật tuyệt đẹp và kinh Phật cổ.
Labuleng càng thêm nổi tiếng sau khi xuất hiện trong bộ phim Thiên hạ vô tặc, sản xuất năm 2005. Mỗi năm, những Phật tử từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ về đây, đặc biệt vào dịp tháng 1, tháng 6 và đầu năm mới, mong tìm lại cho mình sự thanh thản trong tâm hồn.
Nguồn: daophatngaynay.com