Tin tức

ĐH Harvard giúp bảo tồn di sản văn học Tây Tạng

Thư viện Đại học Harvard sẽ tải lên hệ thống lưu trữ kỹ thuật số của thư viện 10 triệu trang tài liệu về Tây Tạng còn được lưu giữ lại sau cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc - một phong trào được tiến hành từ năm 1966 đến năm 1976 đã dẫn đến sự tiêu hủy của vô số tác phẩm văn học Trung Quốc và Tây Tạng.

Dự án bảo tồn này là kết quả của sự hợp tác giữa Thư viện Harvard và Trung tâm Tài nguyên Phật giáo Tây Tạng (TBRC), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Harvard Square. Trung tâm Tài nguyên Phật giáo Tây Tạng đã được mua, scan lại các tài liệu ấy và bảo quản dưới dạng kỹ thuật số.

Hoa-Ky-550x366.jpg
Kho tư liệu của Tây Tạng đang được scan và lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số

Leonard van der Kuijp, giáo sư Tây Tạng học và nghiên cứu Hymalaya tại Đại học Harvard, vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị của trung tâm, giải thích rằng, một số lượng lớn các văn bản Tây Tạng đã bị biến mất trong thời gian Cách mạng Văn hóa, một cuộc cách mạng đã làm ảnh hưởng đến cao nguyên Tây Tạng cũng như nhiều nơi khác ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều cuốn sách đã được người dân địa phương, các vị tu sĩ và cư sĩ cất giữ lại bằng nhiều cách thức khác nhau...

TBRC đóng một vai trò trọng tâm trong vấn đề đảm bảo việc bảo tồn những cuốn sách còn sót lại. Trung tâm đã phát triển từ tầm nhìn của Gene Smith, một người thủ thư và cũng là một nhà Tây Tạng học. Ông Gene Smith đã bắt đầu bộ sưu tập cá nhân về những cuốn sách của Tây Tạng trong khi ông làm việc tại văn phòng ở New Delhi, thuộc Thư viện của Quốc hội từ năm 1968 đến năm 1985. Theo Giám đốc điều hành của TBRC, ông Jeffrey Wallman, thì ông Smith đã ước tính rằng, có khoảng 800.000 tập sách đã được viết ra trên cao nguyên Tây Tạng trước khi cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu, nhưng chỉ có 100.000 tập sách còn sót lại. Với sự giúp đỡ của Van der Kuijp, ông Smith đã thành lập TBRC vào đầu thiên niên kỷ để tạo danh mục và bảo tồn các di sản văn học Tây Tạng.

Trung tâm đã bắt đầu scan và lập danh mục bộ sưu tập 12.000 tập sách của ông Smith ngay sau khi thành lập. Sau đó, trung tâm đã mở rộng phạm vi scan tài liệu vượt ra ngoài giới hạn của thư viện riêng của ông Smith và scan tất cả các văn bản Tây Tạng mà họ có được.

Ông Smith đã qua đời vào năm 2010. Trong di chúc của mình, ông yêu cầu, bộ sưu tập của ông cần được giao lại cho người dân Tây Tạng. Một thư viện mang tên ông đã được thành lập vào mùa thu năm ngoái tại Trường Đại học Tây Nam Dân Quốc ở Thành Đô, Trung Quốc, nơi có số lượng đáng kể người Tây Tạng đang sinh sống.

Wallman, người bắt đầu làm việc tại TBRC vào năm 2002, ca ngợi tầm nhìn sáng suốt và sâu rộng của ông Smith. Ông Smith đã có một cái nhìn thực sự ý nghĩa đối với văn học nói chung.

Wallman và Richard Lesage là hai cán bộ thư viện của Đại học Harvard chuyên quản lý tài liệu về Nam và Đông Nam Á. Hai người đã xúc tiến cho sự hợp tác, nhận định rằng, sẽ mất khoảng một năm để tải các tập tài liệu di sản văn học Tây Tạng lên hệ thống lưu trữ kỹ thuật số của Đại học Harvard, một dịch vụ lưu trữ kỹ thuật số phục vụ như là một bản sao lưu các tập tin kỹ thuật số của riêng TBRC.

Việc bảo tồn các di sản văn học Tây Tạng không phải là dự án duy nhất mà TBRC và Trường Đại học Harvard đã hợp tác với nhau. Peter Suber, Giám đốc Dự án truy cập mở của Harvard và Trưởng phòng trao đổi học thuật, đã tư vấn cho trung tâm về việc hỗ trợ sự tiếp cận mở đối với cơ sở dữ liệu của trung tâm. Wallman cho hay, các văn bản mà TBRC có được và đã scan, phân mục trong quá khứ hiện đang miễn phí cho người dùng cá nhân, còn các trường đại học và các tổ chức khác thì phải đăng ký để truy cập.

Những trở ngại về văn hóa và tài chính gây khó khăn cho TBRC trong việc thực hiện một mô hình truy cập. Hơn nữa, việc truy cập mở cũng rất phức tạp, bởi vì một số người Tây Tạng phản đối việc phát hành các tài liệu tôn giáo trong cộng đồng. Lý do, có một số tài liệu thuộc dạng bí truyền, chỉ những người trong cuộc hoặc những người đã được khai tâm mới được phép xem. Nếu phổ biến rộng rãi, những người chưa được khai tâm cũng có thể xem thì điều này có thể vi phạm truyền thống.

Suber bày tỏ, bản thân ông tự hào về Đại học Harvard vì đã giúp TBRC bảo tồn di sản văn học của Tây Tạng. Hiện tại, ngôn ngữ Tây Tạng đang bị đe dọa, không chỉ vì lý do chính trị mà vì số lượng người sử dụng đang ngày càng ít đi. Bên cạnh việc giảng dạy Phật giáo Tây Tạng cho những người quan tâm tìm hiểu, chúng ta phải bảo tồn văn hóa này khỏi nguy hiểm và không để bị tuyệt chủng.

Hoàng Lam (theo Buddhist Door)

Nguồn: Giác Ngộ Online